CHUYỆN VỀ MỘT CHỮ HÁN

bài viết rất hay.
Hay bởi dĩ nhiên nó hay, và cũng hay vì mình có vài tâm sự liên quan đến chữ Nhẫn.
Mình có một người quen tôn thờ chữ này, thường hay dẫn câu "bất Nhẫn bất thành Nhân" và giải thích rằng chặng đường con người làm bá chủ trái đất này, nhờ chữ Nhẫn mà nên, nhẫn nại và nhẫn tâm, không nhẫn tâm, không thể thành người.
Anh ta còn đi nhờ người ta viết thư pháp chữ Nhẫn để treo giữa nhà.
Và đúng thật, để đạt được mục đích, anh ta chẳng từ một thủ đoạn nào, tất cả được che dấu sau đôi mắt hờ hững và cử chỉ thụ động. Như một con rắn lim dim vùi đầu vào thân mình trong bóng mát và nhẫn nại chờ đợi con mồi, anh ta không bao giờ lộ thân thủ. Tất cả chỉ được bộc lộ khi anh ta cho rằng đã đúng cả thời điểm lẫn không gian.
Dĩ nhiên máu đã từng tuôn chảy, theo nghĩa bóng, và cả nghĩa đen.
Đừng hỏi vì sao mình căm ghét con rắn, lẫn sợ hãi nó. Người ta bảo đánh rắn phải đánh nát đầu, mình ghi nhớ rõ.

CHUYỆN VỀ MỘT CHỮ HÁN

Tôi sẽ bắt đầu bằng một giai thoại trong giới giang hồ ngày trước, khi mà những hình xăm không tràn lan và trở thành trào lưu như bây giờ. Cái thuở đó, ở Việt Nam này, chỉ những người trong giới lao động lì lợm, hoặc tay anh chị có máu mặt mới có hình xăm trên người.

Hình xăm thì muôn hình vạn trạng. Đa số là xăm chữ. Chẳng hạn như “Hận đời đen bạc, hận kẻ bạc tình, hận cả gia đình, hận luôn hàng xóm…”, hoặc vui vẻ thì xăm "Mẹ ơi, con đói". Trong đó lấy luôn cái lỗ rún làm chữ "O". Hoặc các cô gái khỏa thân.

Một quy tắc ngầm trong giới giang hồ: những hình xăm như đại bàng, phượng, rồng, hổ...chỉ dành riêng cho những đại ca hàng đầu. 

Còn những giang hồ cấp thấp, tuyệt không được đụng tới các hình xăm này, nếu không rất dễ bị "điếu thuốc lá" dụi vào khi áo được cởi ra.

Tuy nhiên, dù giang hồ cỡ mấy, chỉ có một "chữ" là tuyệt nhiên không được xăm bừa. Và chữ này, chỉ có kẻ đứng đầu giới giang hồ, kẻ "thiên thu vạn tải/nhất thống giang hồ" mới có quyền xăm. Đó là chữ "NHẪN".

Giai thoại này đúng sai thế nào, có lẽ không dám chắc 100%. Nhưng tôi vẫn tin giai thoại này có thực, hoặc có cái lý của nó.

Tất cả chúng ta hiểu gì về chữ "Nhẫn" nhỉ?

"Nhẫn" đa số chúng ta thường chỉ biết một ý nghĩa, trong câu tục ngữ "Một sự nhịn, chín sự lành". Thực tế không hề có chuyện đó, chữ "nhẫn" có tới 3 tầng ý nghĩa, bao gồm:

- Nhẫn nhục.
- Nhẫn nhịn.
Sau khi đạt 2 chữ nhẫn này, là bạn đã thành công rồi đấy. Còn tầng thứ 3 của chữ nhẫn, đòi hỏi triệu người chỉ được một người thôi.
- Nhẫn tâm.

Đó chính là ba tầng ý nghĩa của chữ nhẫn.

Theo chiết tự tiếng Hán, chữ “Nhẫn” bao gồm chữ “Tâm” (trái tim) bên dưới và “Đao” (cây đao) ở trên, lối chiết tự này khiến chữ Nhẫn mang hàm ý “sự mạnh mẽ, nguy hiểm giấu kín trong lòng”. 

Do đó, mà các "chữ nhẫn" viết theo lối thư pháp bán nhiều ở trên thị trường Việt Nam, không toát lên cái thâm trầm theo lối chiết tự Hán này.

Chữ "nhẫn" vì mang ý khủng khiếp đến vậy, nên kẻ nào xăm chữ "nhẫn" lên người là mang ý: tao là đại ca của tụi mày, tao là số 1. Nên quan niệm kẻ giang hồ, chữ này phải dành cho kẻ máu mặt nhất trong những kẻ máu mặt nhất. Kẻ đứng đầu thiên hạ.

(Từng có tin đồn Năm Cam sở hữu hình xăm chữ nhẫn, hay Tứ đại giang hồ Sài Gòn ngày xưa: Đại – Tỳ – Cái – Thế (Đại Cathay, Huỳnh Tỳ, Ngô Văn Cái, Ngô Văn Thế) cũng có xăm chữ nhẫn).

(Khó khăn như vậy đấy, chứ không "thathu" như hôm nay đâu )

Theo quan niệm của người xưa, cái uy dũng của bậc thánh nhân nằm ở chỗ điềm đạm đến cùng cực. Kẻ nào có được chữ “Nhẫn” trong phẩm cách của mình thì dễ làm nên đại nghiệp.

Trong "Hán Sở Tranh Hùng" bạn sẽ gặp cái đỉnh cao của "Nhẫn nhục" và "Nhẫn nhịn" nằm ở nhân vật Hàn Tín, thiên tài quân sự chấp nhận bò qua háng tên bán thịt, và nín nhịn đợi thời dưới trướng Hạng Vũ, hòng có ngày "xõa" khi về với Lưu Bang.

Tuy nhiên, còn 1 chữ nhẫn nữa, không hề xuất hiện rõ ràng. Mà phải cảm mới thấy được. Đấy là chữ "nhẫn" tầng thứ 3 của Lưu Bang.

Câu chuyện như sau: 

Một lần, Tây Sở Bá vương bắt được Lưu Thái Công - cha của Lưu Bang. Hạng Võ đẩy cha Lưu Bang lên trước đoàn quân và nói:

"Nếu ngươi không rút binh, ta liền đem cha ngươi phanh thây!"

Tướng lĩnh quân Hán vô cùng khó xử, ai cũng cho rằng Lưu Bang sẽ vì bảo toàn tính mạng cho phụ thân mà hạ lệnh rút binh. Không ngờ họ Lưu này chẳng do dự mà đáp:

"Hai chúng ta từng kết nghĩa huynh đệ, cha ta cũng chính là cha ngươi, nếu ngươi nhất định muốn nấu thịt cha mình, thì nhớ phần ta một bát canh!"

***

Đấy là tầng thứ 3 của chữ "Nhẫn" : Nhẫn Tâm. Bởi vậy nên Lưu Bang mới là vua. Hạng Vũ không có cái đó, Hàn Tín cũng không có. Bởi vậy Hạng Vũ, Hàn Tín chỉ là bậc kiêu hùng đại tướng bát ngát giữa đời, được người đời sau thương quý. Còn làm vua phải là Lưu Bang, hoàng đế phải là Lưu Bang, vì ông ta có cái nhẫn cuối cùng. Cho dù scandal và tai tiếng của ông ta thì một xe ô tô tải chở đi không hết.

Việt Nam lịch sử phong kiến có một vị vua tuy không bê tha như Lưu Bang, nhưng sở hữu cái "nhẫn tâm" tuyệt không có kém. Tôi đang nói về Đinh Bộ Lĩnh: 

Đại Việt Sử ký toàn thư, ngoại kỷ, quyển V: Kỷ nhà Ngô - Hậu Ngô vương, chép lại:

:..Năm 951, Đinh Bộ Lĩnh cát cứ ở Hoa Lư không chịu thần phục nhà Ngô lúc đó do hai anh em Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn cùng trị vì. Bộ Lĩnh sai Đinh Liễn vào Cổ Loa làm con tin. 

Đinh Liễn đến, hai vua Ngô trách tội Bộ Lĩnh không đến chầu, rồi bắt giữ Liễn, đem theo đi đánh Hoa Lư. 

Hơn một tháng, quân Ngô không đánh nổi, hai vua Ngô bèn treo Liễn lên ngọn sào, sai người bảo Bộ Lĩnh, nếu không chịu hàng thì giết Liễn. Bộ Lĩnh tức giận nói:

"Đại trượng phu chỉ mong lập được công danh, há lại bắt chước thói đàn bà xót con hay sao?"

Liền sai hơn mười tay nỏ nhắm Liễn mà bắn. Hai vua Ngô kinh sợ nói:

"Ta treo con nó lên là muốn để nó đoái tiếc con mà ra hàng cho chóng. Nó tàn nhẫn như thế, còn treo con nó làm gì?"

Bèn không giết Liễn mà đem quân về.."

Ngay cái lúc nhắm bắn Đinh Liễn, thì Đinh Bộ Lĩnh phải là vua rồi, từ khi còn ở Hoa Lư chưa đi ra, từ khi loạn 12 sứ quân chưa có, Đinh Bộ Lĩnh cũng đã hơn người rồi. Cũng như Lưu Bang ngày trước. Đinh Bộ Lĩnh đạt đến cái nhẫn cuối cùng, và ông chính là người chấm dứt li loạn 12 sứ quân.

Bởi vậy, mới có câu "chính trị thì không có nhân đạo". Cái quan trọng để phân biệt vua tốt/vua xấu là khi lên được ngôi cửu ngũ, thì người ấy có lo cho dân và thương dân hay không thôi. 

Chuyện về Đinh Bộ Lĩnh, "cờ lau tập trận" là nét đẹp. Còn hấp dẫn để các bạn nhớ, là nằm ở những sự tranh đoạt ấy. 

Dũng Phan



Nhận xét

Bài đăng phổ biến