Nói với con trẻ về đề tài nghiêm túc - làm thế nào?

Có những đề tài khá lớn, nghiêm túc, hay phức tạp mà chúng ta buộc phải chia sẻ với con trẻ, nhưng, liệu có khó hiểu quá đối với chúng? 
Đó có thể là những thay đổi lớn trong gia đình, ví như là chuyển nhà, chuyển trường, hoặc là một tin nhạy cảm nào đó mà bạn bối rối, không biết phải chia sẻ thế nào, ví như ly dị hay một thành viên nào đó trong nhà đã khuất. Bạn Liv đã từng ở hoàn cảnh này, may sao, sự mù mờ thuở ban đầu của bạn Liv vô tình lại là "mèo mù với cá rán" nên bạn Liv chưa gặp phải hậu quả gì.
Việc không biết cách chia sẻ thế nào, chưa bao giờ đồng nghĩa với việc con bạn chưa sẵn sàng để nghe và hiểu.

Vì sao chúng ta phải chia sẻ

Gì đi nữa thì con trẻ luôn biết việc gì đang diễn ra, trẻ luôn cảm nhận được những năng lượng tốt, xấu xung quanh. Và khi trẻ thấy rằng trẻ không thể gọi tên những cảm xúc đang dồn dập xảy đến, trẻ dễ dàng bị stress.
Nếu bạn trò chuyện cởi mở về những việc đang diễn ra theo cách đơn giản trẻ con nhất, bạn đã đặt tên cho cảm xúc trẻ đang chịu đựng. Điều này giúp trẻ củng cố thêm niềm tin vào trực giác của chính mình.
Chúng ta hướng thế nào, năng lượng sẽ chảy theo hướng đó. Đó chính là sức mạnh của niềm tin. Bạn chỉ cần xác định được tình hình và thảo luận về nó, năng lượng xấu lập tức trở về trạng thái cân bằng và trở thành năng lượng tốt.

Bạn Liv nói về năng lượng kiểu này có thể làm các bạn nghĩ rằng bạn Liv theo giáo phái bí ẩn nào đó :)). Đính chính là không hề nhé, bạn Liv đang cố diễn giải theo khoa học đó.

Chia sẻ điều đó thế nào

Con của bạn tiếp nhận thông tin nghiêm trọng tốt hơn nếu bạn trình bày theo kiểu cách của chính con bạn. Vậy hãy xem con bạn thuộc tính cách nào và cân nhắc những gợi ý sau đây:

Tính cách 1: Vui vẻ đáng yêu
Những đứa trẻ này xử lý thông tin cực nhanh, vì thế bạn cần tránh nói dông dài. Trẻ sẽ tự rời đi khi trẻ đã đủ hiểu. Bạn nhớ rằng nghiêm túc, không có nghĩa là nặng nề. Nhưng cũng đừng tự hài hước bằng cách chọc quê trẻ, tự trẻ sẽ nhạo chính mình khi thấy mọi chuyện căng thẳng đã qua đi.

Tính cách 2: nhạy cảm
Tìm một chốn yên tĩnh để chi sẻ cùng nhau, vào tạo điều kiện cho trẻ đặt câu hỏi. Trẻ sẽ hướng suy nghĩ đến tương lai ngay lập tức, và sẽ bắt đầu lo lắng. Hãy đặt câu hỏi để trẻ chia sẻ những lo lắng về tương lai và trấn an liên tục.

Tính cách 3: kiên định
Khi trò chuyện với trẻ, hãy nói về những tác động thực tế của việc đang xảy ra. Hãy chỉ bảo trẻ những hành động có thể được để cải thiện tình hình. Hãy đề nghị những việc có thể làm cùng với trẻ, ví dụ như đi dạo, hay cùng tạo ra thứ gì đó có liên hệ với việc đang xảy ra.

Tính cách 4: nghiêm túc
Những đứa trẻ có tính cách này phản hồi trực tiếp và rất thực tế ngay khi chia sẻ. Đôi khi trẻ thận trọng xem xét mọi thông tin ẩn dấu trong lời bạn nói trước khi phản ứng thực sự. Bạn cần tôn trọng trẻ bằng cách nói rằng: "Con sẽ cần thời gian để suy nghĩ đấy" và hứa hẹn sẽ nói chuyện thêm 1 lần nữa vào bất cứ khi nào trẻ muốn.

Dù con bạn thuộc tính cách nào, hãy luôn cho con cơ hội để chia sẻ những lo lắng, nỗi sợ và quan ngại (dùng từ này nghe giống ông Lương Thanh Nghị quá)
Hãy giúp con nói lên cảm xúc của mình, nếu con quá bối rối, bạn có thể thử bằng những câu hỏi "Xem ra con đang giận dữ nhỉ?" hoặc "Con lo lắng không biết làm thế nào khi … à?"
Hãy trấn an con trẻ. Dù việc gì xảy ra đi nữa, con của bạn vẫn luôn biết ơn khi hiểu rằng bạn luôn yêu con và bạn luôn sẵn sàng giúp đỡ con khi cần thiết.

Bạn đã từng chia sẻ những đề tài nghiêm túc với con trẻ? Hãy comment về kinh nghiệm của mình cho mọi người tham khảo nhé!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến