tản mạn về tiếng Việt ngày nay

Hổm rài lướt net đọc tin tức, xem bình luận và chơi Face, bạn Liv có mấy điều băn khoăn về tiếng Việt của giới trẻ bọn mình. Giới trẻ ở đây là những bạn thuộc thế hệ sinh năm 75 đến 85 chứ không phải là teenager, vì bạn Liv không thể hoặc không đủ khả năng hiểu được ngôn ngữ teen với những câu cú quá khó đọc, khó hiểu, kiểu như: "Sao pây???:)))cho taz ý kín về bủi mỗ cá hum nay???ta rất sợ và rất tụi nghịp mí kon cá!!!T^Tcầu nó về nơi an nghỉ...T^T"---> đó là đoạn status của con bé cháu bạn Liv, hiểu được chết liền đó!

Mr Dâu Tây - một chàng tây viết hay hơn ta
Chuyện là bạn Liv đọc được những bình luận của các cô, các bác đã luống tuổi, nhận xét về trình độ tiếng Việt của tụi mình. Đa số bình luận đều chê tiếng Việt hiện nay, vào tay tụi mình thì ra cái hổ lốn gì không biết. Chà, cũng y như bọn mình đang chê ngôn ngữ teen hiện nay vậy đó. Bạn Liv đơn cử vài ví dụ sau:

- "Một lần về VN thăm nhà, mang máy móc về xài không được vì khác dòng điện. Cậu cháu rể nói "Để con đưa mợ đi mua ổn áp". Tôi ngớ ra không hiểu hai từ ổn áp mà cậu ấy vừa nói, thì ra là máy biến điện."



- "Vừa về đến cửa phi trường gặp cô Hải Quan sau khi xem giấy tờ cô hỏi "xuất xứ ở đâu?" tôi không hiểu, cô quắc mắc "Ơ cái chị này tôi hỏi xuất xứ ở đâu sao mà cứ như ngỗng thế?" Vẫn không hiểu, bà cụ đứng cạnh nói nhỏ "Cô ấy hỏi cô từ đâu về?" Bấy giờ tôi mới hiểu thì ra món đồ mà cô ấy hỏi xuất xứ chính là tôi."

- "Nghe cô ca sĩ Thu Minh, Hà Hồ phê bình một giọng hát mới "em hát rất chất" thật sự không hiểu rất chất là chất gì? Chất lượng hay chất thải? cái gì cũng dùng chữ "chất" để diễn tả một điều tuyệt vời, món này cô nấu chất thật, bộ vest này em mặc chất thật, nếu không thì "đỉnh của đỉnh" đã leo lên đến đỉnh thì còn đỉnh đâu nữa mà leo?"

- "Nghe một số nhân vật tại VN nói chuyện mà muốn thủng màng nhỉ, đi Singapore thì nói " đi Sing" đi Campuchia thì nói đi "Cam" ( nghe cứ tưởng đi camping), hầu như mọi chữ đều cắt mất cái đuôi khi nói."

- "Tôi cũng thấy khó lọt tai với những chữ người VN hay lạm dùng, như một người bạn kể tôi nghe "nỗi bức xúc" khi cô người yêu không chịu cho bạn tôi một chiếc máy ảnh "khủng", cho nó "hoành tráng" lên! Tôi nghe xong....cũng "bức xúc" dùm cho người bạn của tôi!"

Đấy là những nhận xét về văn nói của tiếng Việt hiện nay (thực ra nó nhan nhãn trên internet nữa chứ không chỉ là văn nói, nhưng cứ cho là người viết đang sử dụng văn nói để tạo thiện cảm). Còn văn viết thì cũng bị các bác các cô chê bai thảm thương. Ví dụ như:

- SỰ CỐ. Một từ vô nghĩa nhưng đang được dùng một cách rộng rãi để chỉ một sự rắc rối vừa mới xảy ra. Trong tiếng tiếng Hán Việt có từ kép cố sự 故事 có nghĩa là chuyện cũ chứ làm gì có từ sự cố. Cái nghĩa mà hiện nay người ta gán cho từ vô nghĩa đó thực là lạ lùng, không thể chấp nhận được. Thế mà các báo cứ viết tựa "Sự cố lộ hàng của ca sĩ X"...

- HOÀN CẢNH. Trong một bài báo, người ta viết: “Cô ây sống hoàn cảnh lắm”. Đố các bạn biết người ta muốn nói gì? Xin thưa, muốn nói “Cô ấy đang sống trong hoàn cảnh bi thảm”!!! Các bạn có chịu nổi với cách viết văn như thế đó không?

- KHẢ NĂNG. “Khả năng” 可 能 là năng lực của con người, có thể làm được việc gì đó. Thế mà người ta đã viết và nói những câu đại loại thế nầy: Hôm nay, khả năng trời không mưa. Khả năng con bò nầy sẽ chết vì bị bệnh… Nghe thực là kỳ cục và đáng xấu hổ.

- XÂY DỰNG. “Anh Hai tôi quyết định xây dựng với người yêu của mình” Các bạn đừng tưởng rằng 2 người quyết định đi xây nhà để ở nhé. Không, 2 người quyết định làm đám cưới đó.

- ĐĂNG KÝ. Đăng ký 登記 là chép vào sổ một vật được đưa đến. Thế mà ngày, người ta nói: “Anh đã đăng ký đi nước ngoài” Nghe như người ta sẽ gói tôi lại rồi đem gởi ra nước ngoài. Với con người, không thể nói đăng ký mà phải nói: ghi danh hay ghi tên mới đúng.

- YÊU CẦU. Đây là một động từ. Thí dụ: “Tôi yêu câu anh đi ngay”. Nhưng từ "yêu cầu" này cũng có ngay trong giáo án (tài liệu chính thức để dạy học) 2 chữ: mục đích và yêu cầu. Động từ yêu cầu đã biến hẳn thành danh từ.

Còn nhiều lắm những ví dụ về tiếng Việt tối nghĩa mà chúng ta đang dùng nhưng bạn Liv không liệt kê ra nổi, mà chắc các bạn cũng không ai đọc nổi. Đó là chưa kể những từ ngữ sinh sau đẻ muộn do chính chúng ta đang tạo ra hay truyền đi hằng ngày như: giờ cao su (trễ hẹn), chim cú, a cay (cay cú), đớp (ăn), xoắn (rối rắm lên), não phẳng (ngu), đẹp dã man (đẹp lắm), phê lòi (đã đời)... và cả những từ ngữ lai căng Anh Việt lẫn lộn nữa (bạn Liv cũng đang mắc tật này nè)

Thiết nghĩ, những từ ngữ mà chúng ta dùng để viết, hay để nói hằng ngày còn chưa chính xác, tối nghĩa, hoặc vô nghĩa, thì trách sao giới trẻ ngày nay không thể lĩnh hội được tinh hoa tiếng Việt, mà lại còn phát triển thêm ngôn ngữ tuổi teen kinh dị theo kiểu cháu bạn Liv đang dùng?

Bạn Liv quan tâm việc này, bởi bạn Liv là một người mẹ, đang quan sát các trẻ đang lớn và đang học trong nhà trường. Bạn Liv cũng có mong muốn con mình sẽ giỏi văn nên hàng ngày đều giải nghĩa những từ ngữ mà con mình mới được nghe. Nhưng giờ đây khi biết chính mình cũng còn sử dụng sai từ, sai nghĩa trong văn viết và cẩu thả trong văn nói thì... Thôi thà sửa sai trễ, còn hơn không hề sửa sai mà lại truyền cái sai ấy cho con mình. Cố gắng vậy! 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến